Việc lựa chọn đúng thực phẩm sau khi cảm cúm sẽ giúp cơ thể nhanh chóng lành bệnh, tăng tốc độ hồi phục.
Hiện nay, việc mắc cúm A, cúm B là một vấn đề sức khỏe thường gặp, nhất là trong thời tiết giao mùa. Tuy nhiên, cả cúm A và cúm B đều có biến chứng nguy hiểm gây viêm, tử vong do suy hô hấp hoặc viêm phổi. Thông thường, bệnh cúm A có một số các dấu hiệu đặc trưng điển hình như: sốt, nhức đầu, đau mình, hắt hơi, chảy mũi… Nếu sốt cao hoặc không được xử trí đúng cách, người bệnh sẽ bị mất nước, li bì, rối loạn điện giải. Một số trẻ thậm chí còn có dấu hiệu co giật.
Ngoài ra, một số các dấu hiệu đi kèm với sốt do cúm A như viêm họng, hắt hơi và ho. Những trường hợp cúm A trong thời gian kéo dài, diễn biến bệnh nghiêm trọng có thể gây tức ngực, khó chịu và ho khan. Trong khi đó, Cúm loại B sẽ khiến bệnh nhân gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn cảm lạnh thông thường như: Sốt; Ớn lạnh; Viêm họng; Ho; Sổ mũi và hắt hơi; Mệt mỏi; Đau nhức cơ khắp cơ thể; Viêm phổi; Viêm phế quản; Suy hô hấp; Suy thận; Viêm cơ tim hoặc viêm tim; Nhiễm trùng huyết….
Theo chuyên gia, người bệnh mắc cúm A, cúm B nên ở nhà và nghỉ ngơi để hỗ trợ quá trình phục hồi và ngăn ngừa lây lan virus cúm sang người khác. Ngoài ra, chế độ ăn uống cũng giúp giảm bớt ảnh hưởng của bệnh cúm, giúp cơ thể sớm trở lại trạng thái bình thường.
Những thực phẩm nên ăn khi bị cúm A, cúm B
Súp gà
Tùy thuộc vào các triệu chứng cúm, có thể bổ sung thêm dinh dưỡng, thêm một số nguyên liệu tốt cho sức khỏe để nấu súp. Súp gà là một phương thuốc y học cổ truyền để chữa các bệnh như cúm. Nhiều nghiên cứu cho thấy các thành phần trong súp gà có thể làm giảm viêm và hỗ trợ hệ thống miễn dịch vì nó chống lại nhiễm trùng cúm.
Khi nấu súp gà nên dùng một bát cân bằng để có được dinh dưỡng tối ưu để cơ thể hồi phục. Chọn những món súp có chứa protein, rau không chứa tinh bột và carbohydrate. Để có một lựa chọn nhanh chóng và cân bằng, hãy cho một ít rau và thịt gà cắt nhỏ vào nước dùng có hàm lượng natri thấp.
Tỏi
Tỏi có lịch sử lâu đời được sử dụng cho mục đích y học ở các nền văn hóa trên thế giới. Tỏi được sử dụng để điều trị các vấn đề về hô hấp và tiêu hóa, một số người coi nó như một phương thuốc chữa viêm khớp, đau răng, ho mạn tính…
Ngày nay, một số nghiên cứu cho thấy tỏi có thể hữu ích trong việc giúp chống lại bệnh cúm. Một nghiên cứu đã cho 146 tình nguyện viên khỏe mạnh bổ sung tỏi hoặc giả dược trong 3 tháng. Nhóm ăn tỏi có nguy cơ bị cảm lạnh thấp hơn 63%.
Một nghiên cứu khác cho thấy, thời gian mắc bệnh cảm lạnh cũng giảm đáng kể ở những người dùng 2,56 gam chiết xuất tỏi già mỗi ngày trong mùa lạnh và cúm so với nhóm dùng giả dược. Mức độ mắc bệnh cũng ít nghiêm trọng hơn.
Bổ sung tỏi có thể tăng cường chức năng tế bào miễn dịch và giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cúm và giúp hồi phục nhanh hơn. Có thể ăn tỏi sống hoặc tỏi nấu chín.
Gừng và nghệ
Một số loại gia vị và thảo mộc có thể có lợi khi bị cúm. Trong các nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chiết xuất gừng có đặc tính kháng khuẩn, trong khi chất curcumin, một hợp chất tự nhiên trong nghệ, có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm. Những loại gia vị này không hẳn là phương pháp chữa bệnh cúm nhưng chúng có thể hữu ích khi thêm vào các loại trà, súp hoặc các món ăn khác khi bị ốm, cúm.
Việc bổ sung gừng được coi là an toàn nhưng có thể gây ra tác dụng phụ, bao gồm khó chịu ở bụng, ợ nóng, tiêu chảy, kích ứng miệng và cổ họng nếu dùng với liều lượng lớn. Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung gừng.
Theo một tài liệu nghiên cứu về tác dụng an toàn và sức khỏe của gừng, do hoạt tính chống đông máu, chất bổ sung curcumin có thể gây chảy máu quá nhiều nếu dùng chung với thuốc làm loãng máu như aspirin, clopidogrel (Plavix) hoặc warfarin.
Thực phẩm giàu vitamin C
Vitamin C giúp kích thích sản xuất các tế bào bạch cầu tấn công vi khuẩn và virus nên cũng được xem là một phần phản ứng miễn dịch của cơ thể. Ngoài ra, vốn là một chất chống oxy hóa mạnh nên vitamin C cũng giúp bảo vệ các tế bào miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn, ngăn ngừa được các loại vi khuẩn, virus gây bệnh.
Vì vậy, bổ sung vitamin C rất hiệu quả để ngăn ngừa và giảm các triệu chứng của bệnh cúm. Vitamin C có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian mắc bệnh cảm lạnh thông thường, căn bệnh có một số triệu chứng giống với bệnh cúm. Nhiều loại trái cây và rau quả cung cấp vitamin C như trái cây họ cam quýt như cam và bưởi, quả kiwi, nho, táo, lê, chuối, ổi, dâu tây, ớt chuông đỏ, cà chua…
Các loại rau xanh khác cung cấp vitamin C nhưng gồm cả sắt tăng cường miễn dịch, chống viêm là rau lá xanh như rau bina, bắp cải, cải xoăn. Sắt rất cần thiết cho việc sản xuất các tế bào miễn dịch, đặc biệt là tế bào bạch cầu, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Thêm rau xanh vào súp để tăng thêm khối lượng và tăng cường dinh dưỡng.
Mật ong
Mật ong là một phương thuốc phổ biến tại nhà để làm dịu cơn đau họng, chất làm ngọt tự nhiên của mật ong có thể giúp đóng vai trò chống lại nhiễm trùng đường hô hấp. Mật ong có thể hiệu quả hơn trong việc điều trị các triệu chứng của bệnh cảm lạnh và giống cúm so với các loại thuốc không kê đơn.
14 nghiên cứu phân tích gần 1.800 người bị nhiễm trùng đường hô hấp trên đang được điều trị bằng mật ong hoặc các biện pháp thông thường như thuốc kháng histamine và thuốc giảm ho. Các tác giả kết luận rằng mật ong có vẻ vượt trội hơn trong việc điều trị các triệu chứng của những bệnh nhiễm trùng này nhờ đặc tính kháng khuẩn. Mật ong cũng bao phủ cổ họng và có thể làm dịu kích ứng.
Trà nóng
Đồ uống ấm này có tác dụng làm dịu cơn đau họng và hơi nước có thể giúp làm dịu cổ họng bị nghẹt. Trà có chứa một nhóm chất chống oxy hóa gọi là polyphenol, được nghiên cứu cho thấy có tác dụng bảo vệ chống lại các bệnh mạn tính. Trong các nghiên cứu, hoa cúc đã được phát hiện có đặc tính kháng khuẩn, trong khi nghiên cứu cho thấy trà bạc hà có thể giúp làm dịu các triệu chứng tiêu hóa. Trà xanh có chứa một loại polyphenol gọi là catechin, nghiên cứu cho thấy có thể làm tăng số lượng tế bào T điều hòa, giúp kiểm soát hệ thống miễn dịch.
Có nhiều loại trà để lựa chọn nhưng nên tránh xa những loại có chứa caffeine, chẳng hạn như trà đen, vì có thể góp phần gây mất nước.
Sữa chua
Ăn sữa chua có chứa lợi khuẩn có thể giúp chống lại bệnh cúm. Sữa chua cũng là một nguồn protein. Các loại thực phẩm lên men khác như dưa cải bắp, trà kombucha và sữa chua làm từ thực vật cũng là những thực phẩm thay thế tuyệt vời.
Uống đủ nước
Uống đủ nước là một trong những điều quan trọng nhất để giúp cơ thể chống lại bệnh cúm. Dưới đây là một số chất lỏng có thể đặc biệt hữu ích:
– Nước lọc: Thận sử dụng nước để thải các chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Uống nhiều nước có thể giúp tăng tốc độ hồi phục.
– Nước dừa: Nước dừa giàu kali, natri và clorua. Uống nước dừa có thể giúp thay thế các chất điện giải mà cơ thể mất đi do đổ mồ hôi, nôn mửa hoặc tiêu chảy.
– Nước nóng với mật ong, chanh và gừng: Gừng trong thức uống nhẹ nhàng này có thể làm giảm cảm giác buồn nôn.
Các thực phẩm cần tránh khi bị cúm
Một số loại thực phẩm và đồ uống có thể làm chậm quá trình hồi phục bệnh cúm, bao gồm:
– Rượu: Rượu làm cơ thể mất nước và giảm chức năng của hệ thống miễn dịch.
– Thực phẩm chế biến: Những thực phẩm này có thể chứa nhiều muối làm cơ thể mất nước và chứa đường làm tăng tình trạng viêm.
– Thức ăn nhiều dầu mỡ: Những thức ăn này sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa.
– Sữa: Lactose, một hợp chất trong sữa, có thể khó tiêu hóa. Bất kỳ ai đang cảm thấy buồn nôn hoặc bị tăng tiết chất nhầy sau khi ăn sữa nên tránh tiêu thụ cho đến khi các triệu chứng cúm biến mất.
– Thực phẩm có cạnh thô: Bánh quy giòn và các loại thực phẩm giòn khác có thể làm xước cổ họng và làm trầm trọng thêm tình trạng đau nhức.
Lưu ý khi bị cúm A, cúm B
Nghỉ ngơi đầy đủ: Hãy cho cơ thể bạn thời gian để hồi phục bằng cách nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc và tránh làm việc quá sức.
Hạn chế tập thể dục quá sức: Trong giai đoạn bị cảm cúm, hãy hạn chế tập luyện quá mức để không làm suy yếu thêm sức khỏe của bạn.
Tránh tiếp xúc với người khác: Khi bị cảm cúm, bạn cần hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh để không lây lan vi khuẩn hoặc virus cho họ.
Rửa tay thường xuyên: Luôn luôn rửa tay kỹ trước khi ăn hoặc tiếp xúc với mắt, mũi, miệng để ngăn chặn vi khuẩn và virus xâm nhập vào cơ thể.
Đeo khẩu trang: Khi bạn phải tiếp xúc với người khác hoặc ra khỏi nhà, đảm bảo đeo khẩu trang để giảm nguy cơ lây nhiễm cho mọi người xung quanh.
PN (SHTT)