Vậy hiện tượng bọt hay các loại váng trắng nổi lên mặt nước khi luộc thịt biểu thị cho điều gì?
Thịt luộc là món ăn được nhiều gia đình yêu thích bởi dễ ăn lại dễ nấu, đặc biệt là vào mùa hè. Ngoài ra công đoạn luộc thịt cũng thường được bắt gặp trong nhiều món ăn. Tuy quen thuộc là vậy, song nhiều người vẫn không khỏi bối rối và thắc mắc khi bắt gặp một hiện tượng khi luộc thịt. Đó chính là thấy có nhiều bọt trắng hay váng nổi lên trên bề mặt nước.
Vậy hiện tượng thể hiện điều gì, có đáng lo ngại không? Nhiều người truyền tai nhau nói rằng, thịt khi luộc ra có càng nhiều bọt, càng nhiều váng tức là miếng thịt ban đầu càng mất vệ sinh hoặc nhiều hóa chất. Vậy sự thật là gì?
Chuyên gia đưa ra lời giải thích
Theo các chuyên gia, người dùng không cần quá lo lắng về lớp bọt hay váng nổi lên khi luộc thịt. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Hoa Hà Nội chia sẻ với VTC News, bọt sủi lên khi luộc thịt hay hầm xương không chứa độc tố hay cũng không thể hiện lợn nuôi có hóa chất.
Bọt hay váng nổi không thể hiện thịt bẩn hay sạch, thì có hóa chất hay không có hóa chất mà đơn giản chỉ là phản ứng thông thường của miếng thịt khi gặp nhiệt độ cao. Cụ thể, trong miếng thịt sẽ có máu, protein đọng lại trong mao mạch hay một số chất bẩn, cặn bã. Khi gặp nhiệt độ cao, lớp bọt từ những thành phần kể trên sẽ được hình thành, từ đó nổi lên bề mặt nước.
“Trong quá trình giết mổ, vận chuyển, bảo quản thì thịt, xương dính đất, cát chứ không thể khẳng định là thịt có nhiễm chất hóa học”, PGS Thịnh nói thêm. Các loại thịt khác nhau cũng có lượng bọt khác nhau, màu sắc bọt khác nhau, phụ thuộc vào số lượng mao mạch.
Ví dụ như phần thịt ở lưng lợn có ít mao mạch, bởi vậy nếu luộc phần thịt này, bọt nổi lên sẽ ít hơn. Còn chân sau hay móng giò của lợn, nhiều mao mạch hơn, nên khi luộc có thể nổi nhiều bọt, váng hơn.
Chính bởi vậy, người dùng không cần quá lo sợ khi bắt gặp hiện tượng có bọt hay váng nổi lên khi luộc thịt hay hầm xương. Chỉ cần sử dụng các loại thìa, muỗng chuyên dụng, lấy bớt bọt, váng ra ngoài là được. Sau lớp bọt này, nếu thấy chỉ còn các loại bọt nhỏ hơn như khi nước sôi lăn tăn thì không cần lấy ra và bỏ đi nữa. Bởi chúng chính là các dưỡng chất, chất béo hay chất đạm, chất dinh dưỡng khác trong thịt, cần được giữ lại.
Một số lưu ý khác khi luộc thịt
Bên cạnh vấn đề bọt, váng nổi lên trong nồi luộc thịt, hầm xương, các chị em nội trợ cũng có thể tham khảo thêm một số lưu ý khi luộc thịt như sau.
1. Sơ chế thịt trước khi luộc: Trước khi luộc, thịt cần được rửa sạch dưới vòi nước lạnh để loại bỏ bụi bẩn, máu còn sót lại từ quá trình giết mổ. Bạn có thể ngâm thịt trong nước muối pha loãng trong vài phút để giúp sát khuẩn và loại bỏ mùi hôi không mong muốn.
2. Chọn nhiệt độ nước phù hợp: Để luộc thịt, có hai phương pháp chính là cho thịt vào nước lạnh rồi đun sôi và cho thịt vào nước sôi. Nếu muốn thịt có hương vị đậm đà và giữ được nhiều chất dinh dưỡng, hãy cho thịt vào nước sôi. Nếu muốn nước dùng đậm đà hơn, nên bắt đầu luộc thịt từ nước lạnh.
3. Thời gian luộc: Thời gian luộc phụ thuộc vào loại và cỡ của miếng thịt. Thịt nên được luộc vừa đủ chín để giữ được độ mềm và không làm mất quá nhiều dưỡng chất. Không nên luộc quá lâu vì thịt có thể trở nên khô cứng và mất đi hương vị tự nhiên.
4. Sử dụng nước luộc thịt: Nước luộc thịt có thể tái sử dụng làm nước dùng cho các món canh hoặc món hầm. Đảm bảo rằng bạn đã vớt bọt và lọc kỹ lưỡng để nước dùng được trong và sạch sẽ.
5. Bảo quản thịt sau khi luộc: Sau khi luộc nếu không ăn ngay, thịt cần được bảo quản trong tủ lạnh để giữ được độ tươi ngon và tránh sự phát triển của vi khuẩn.
6. Lựa chọn thực phẩm từ nguồn gốc rõ ràng: Hãy chọn mua thịt từ những cửa hàng hoặc nhà cung cấp có uy tín, đảm bảo nguồn gốc và chất lượng thực phẩm. Thịt an toàn và tươi ngon sẽ cho món ăn ngon miệng và bảo vệ sức khỏe tốt hơn.
Bằng cách tuân theo những lưu ý này, các gia đình có thể chuẩn bị được những món thịt luộc ngon lành, hấp dẫn, đồng thời đảm bảo an toàn và vệ sinh trong quá trình chế biến thực phẩm.
Theo Minh Minh (Đời Sống Pháp Luật)