Buổi lễ diễn ra với những nghi thức truyền thống kết hợp nhiều nét riêng đặc biệt, thể hiện văn hóa của gia đình, dòng tộc.
Đám cưới là ngày trọng đại của cô dâu và chú rể. Chính vì thế họ luôn muốn tổ chức đặc sắc, ghi lại khoảnh khắc thiêng liêng của tình yêu đơm hoa kết trái. Đám cưới vô cùng độc đáo, ý nghĩa của cặp đôi Angelo Lin (người gốc Trung, hiện sinh sống tại New Zealand và Ý cùng cô dâu Mika Nguyễn (người gốc Hà Nội, hiện sống và làm việc tại Úc) khiến ai xem cũng cảm thấy tuyệt vời.
Cặp đôi là bạn học cùng Đại học ở Anh, sau đó học lên Thạc sĩ ở Úc. 10 năm đồng hành bên nhau – 1 chặng đường nhiều niềm vui và thử thách, họ chia tay duy nhất đúng 2 tiếng và sau đó nhận ra cuộc đời này không thể thiếu nhau.
Cuối năm 2023, chú rể Angelo đã cầu hôn và nhận được cái gật đầu dịu dàng của cô dâu Mika.
Lễ Hằng Thuận đậm truyền thống Á Đông
Mika Nguyễn là con gái gia tộc Nguyễn Lưu có nếp sống thiền bí ẩn nhất Việt Nam. Đám cưới được tổ chức lễ Gia tiên ở Tịnh viên Maha Mangala, Đà Nẵng. Buổi lễ diễn ra với những nghi thức truyền thống kết hợp nhiều nét riêng đặc biệt, thể hiện văn hóa của gia đình, dòng tộc.
Không gian làm lễ mang tông nâu gỗ chủ đạo, bài trí kết hợp hoa tươi, điểm xuyết tông màu đỏ mang đến sự ấm áp và may mắn trong đám cưới Á Đông. Từng chi tiết đều được chăm chút tỉ mỉ, cực kỳ vừa vặn, mang tinh thần giản uyên đầy tinh tế. Các khách mời đến tham dự với trang phục truyền thống. Bên cạnh tà áo dài Việt, khách mời từ hơn 20 quốc gia còn đem tới các trang phục sườn xám, Hán phục, Hanbok… khiến buổi lễ thêm phong phú màu sắc.
Chú rể Angelo Lin cùng đoàn phù rể đa quốc tịch mặc áo dài, đem theo 11 tráp lễ. Đằng sau bộ áo dài cưới của cô dâu chú rể là 1 câu chuyện cũng rất đặc biệt. Đây là một trong số ít những lần NTK Trịnh Hoàng Diệu – em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhận lời may riêng áo cưới. Thiết của chiếc áo dài thể hiện hạnh phúc của một gia đình đầy đủ với năm tà: hai tà trước là cha mẹ, hai tà sau là vợ chồng, tà thứ năm ở bên trong đại diện cho con cái. Phía trước áo có 5 hạt nút, tượng trưng cho các đức tính: nhân – nghĩa – lễ – trí – tín được đề cao trong văn hóa Á Đông. Lưng áo thêu hình chim hạc – biểu tượng của sự hạnh phúc. Phần tà áo vốn là áo mệnh phủ của Hoàng hậu xưa, được cách tân cho phù hợp với áo dài cưới hiện đại. Tên gọi của đôi áo cũng rất đặc biệt: Hình – Bóng, ngụ ý cầu chúc tình cảm vợ chồng luôn bền chắc như hình với bóng.
Ngay bên ngoài cổng đón khách là một đội trống lân. Bất kỳ vị khách nào đến cũng sẽ được nhận một hồi trống chào mừng, thể hiện thịnh tình và lời chào nồng ấm của gia chủ. Các vị khách cũng được lễ tân mời tháo giày để tham dự lễ Hằng Thuận thật thoải mái và sẵn sàng cho hoạt động thú vị tiếp theo. Toàn bộ giày của khách mời được bảo quản trong túi riêng biệt, đánh số thứ tự vô cùng chu đáo. Sau màn dâng lễ, chú rể Angelo đích thân đón, dắt tay cô dâu Mika tiến ra lễ đường. Cặp đôi cùng nhau bái lạy, bày tỏ lòng biết ơn với trời đất, đấng sinh thành và thầy bạn.
Lễ cưới với nhiều điểm “có 1-0-2”
Hơn cả một nghi thức của lễ Hằng Thuận hay đám hỏi theo phong tục truyền thống, buổi lễ Gia tiên của cặp đôi Mika và Angelo là một sự kiện đặc biệt, “có một không hai”. Các nghi thức kính lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm và thể hiện được sự gần gũi, ấm áp, đúng với tinh thần và nếp sống thực tại của gia đình hướng tới sự chân thật.
Đặc biệt là sự chứng minh của vị thầy Thiện Tuệ – nguyên là thân sinh của cô dâu, mà cô dâu gọi thân thương là “Sư Bố”. Những lời tác bạch, chia sẻ, chúc phúc của cặp đôi và gia đình hai bên càng làm không khí buổi lễ trở nên ấm áp, xúc động, lấy nước mắt của rất nhiều khách mời và người thân.
“Chúng tôi tin rằng, những vị khách hay dòng tộc hai bên có mặt trong buổi lễ sẽ cảm nhận được đây là cuộc hội ngộ của những người thân thương trở về nhà và hiện diện theo cách chân thành, đong đầy cảm xúc, cùng hợp thành năng lượng bình an thay lời chúc phúc, chứ không phải một buổi lễ long trọng quá mức khiến mọi người đông cứng lại”, tổng đạo diễn sự kiện Lê Thùy Thảo Nguyên – đại diện gia đình chia sẻ.
Chủ đề “Nơi sự sống bừng nở” để “Đơm hoa kết trái” của sự kiện cũng là thông điệp được gia đình gửi gắm, hướng đến nếp sống thực tại, an lành, giản uyên và chân thật. Các khách mời cũng được trải nghiệm cảm xúc khó quên khi thả những bước chân trần trên cát, lắng nghe tiếng sóng biển, tiếng sáo trúc hòa quyện cùng thanh âm dẫn thiền “bước chân thong dong” của thầy Thiện Tuệ.
Tiếp nối dòng cảm xúc đó là không gian chiêu đãi tiệc buffet chay theo concept một khu vườn thiền đầy mộc mạc và tinh tế, khiến những người có mặt thích thú. Từng bàn tiệc được đặt tên: Bình Yên, Nụ Cười, Tròn Đầy, Phúc Đức, Thảnh Thơi… một lần nữa thay lời cầu chúc, tri ân của gia đình dành cho những vị khách tham dự.
Không gian lấy concept “mộc”, Á Đông làm chủ đạo với những cụm cây thật được trồng ngay trên bãi biển, các chụp đèn đan thủ công bằng tre, thức uống ướp lạnh chuẩn bị sẵn trong những con thuyền gỗ, hoa tông trắng kèm lá xanh được florist chuẩn bị cầu kỳ cho cổng tiệc, sân khấu và loạt cụm hoa treo trên trần khung rạp… Tổng đạo diễn Lê Thùy Thảo Nguyên chia sẻ: “Không dễ tạo ra được chất ‘mộc’ nhẹ nhàng, giản dị mà vẫn thật tinh tế như nếp sống thiền. Chúng tôi đã phải thảo luận rất nhiều trong khâu lên ý tưởng, chọn vật liệu, và cả tiến hành thực hiện các chi tiết. Toàn bộ vật liệu tre, gỗ sử dụng trong tiệc đều được đặt làm mới hoàn toàn vì ở Việt Nam chưa từng có sự kiện tiệc nào có concept tương tự, không thể thuê mướn bên ngoài”.
Các món ăn trong buổi tiệc đều được thiết kế tinh tế bởi đội ngũ đầu bếp của Maha Mangala và nhiều đầu bếp đạt giải quốc tế đến từ TP. Hồ Chí Minh. Các đầu bếp cùng mẹ cô dâu đã thảo luận, lên kế hoạch thật cẩn thận để chuẩn bị một bữa tiệc dưỡng sinh ngon miệng và chạm đến cảm xúc ẩm thực, thông qua câu chuyện tình yêu: Nhân duyên, Hiểu, Thương và Tri ân.
Buổi lễ Hằng Thuận nhận được nhiều sự quan tâm bởi những điểm độc đáo, chưa từng thấy trong các nghi lễ cưới hỏi truyền thống.
Chị Thảo Nguyên cho biết: “Tôi cùng gia đình dành 6 tháng cùng làm việc, lên kế hoạch cho một buổi lễ đảm bảo tính truyền thống nghi thức theo văn hóa Á Đông và nếp sống thiền của gia đình, nhưng vẫn phải đời thực, gần gũi và chạm cảm xúc. Trong gần 10 năm sự nghiệp thực hiện các sự kiện, đây là sự kiện thách thức tôi nhất bởi gia tộc hai bên là những gia đình có nếp sống rất tinh tế, có gu, giản dị nhưng lại không hề sơ sài. Tôi có sự may mắn khi được đồng hành với gia đình như người con trong nhiều năm nên mới có đủ độ cảm và hiểu để cùng hiện thực hóa những mong muốn, giúp sự kiện đại hỷ được trọn vẹn. Nếu không có sự đồng hành này, tôi không nghĩ mình khó có thể làm được trọn vẹn như vậy”.
Theo VV (Phụ Nữ Mới)