Phụ nữ hay nam giới đều rất khó để giữ bí mật kể cả của người khác bởi theo các chuyên gia, việc giữ bí mật gây tổn hại nặng nề cả về mặt tinh thần lẫn thể chất.
Phụ nữ hay đàn ông giữ bí mật tốt hơn?
Theo một khảo sát từng được tổ chức Wines of Chile thực hiện, thời gian phụ nữ có thể giữ bí mật tối đa là 47 giờ 15 phút.
Khảo sát được thực hiện trên 3.000 người phụ nữ trong độ tuổi từ 18 – 65 ở Anh cho thấy trung bình, mỗi tuần họ đều nghe được ít nhất 3 chuyện bí mật của ai đó.
Ban đầu, có khoảng 75% những người phụ nữ này tích vào ô trống tự nhận mình là người có khả năng giữ bí mật cho người khác.
83% khẳng định rằng họ là người đáng tin cậy trong nhóm bạn thân, nghĩa là sau khi nghe được bí mật từ nhóm bạn thân này, họ sẽ không kể nó cho một người ngoài nhóm biết.
Tuy nhiên, kết quả cuối cùng có 40% phụ nữ thừa nhận rằng bản thân đã kể một bí mật từ nhóm của mình cho một người bạn thân chơi ở nhóm khác.
Giải thích về hành động tiết lộ bí mật, có 45% những người phụ nữ trong khảo sát nói rằng họ buộc phải nói ra bí mật mình nghe được để cảm thấy thoải mái trong người. Nếu giữ bí mật quá lâu, quá 2 ngày, họ sẽ rất bứt rứt.
Chỉ 30% thừa nhận mình là những người nhiều chuyện và thích đi kể lể. Hơn 60% những người phụ nữ được hỏi cuối cùng cảm thấy tội lỗi khi họ đã tiết lộ điều lẽ ra mình phải giữ bí mật với người khác.
Đối với nam giới, nghiên cứu của The Fifth Estate thực hiện năm 2015 chỉ ra trung bình đàn ông giữ bí mật trong khoảng 2 giờ 47 phút.
Nghiên cứu này cho thấy hơn 10% nam giới thừa nhận đã để lộ bí mật riêng tư của người khác chỉ 10 phút hoặc ít hơn sau khi được chia sẻ. Mặc dù vậy, 92% đàn ông tự cho rằng họ là những người giỏi giữ bí mật.
Các nhà khoa học còn phát hiện, trái với giả định rằng phụ nữ không thể kiềm chế việc nói ra bí mật, chính đàn ông là những người đầu tiên tiết lộ thông tin bí mật đó.
Con người tiết lộ bí mật vì… bản năng
Tiến sĩ David Eagleman, một nhà khoa học thần kinh tại Đại học Stanford cho biết giữ bí mật là một hoạt động gây căng thẳng cho não bộ.
Đa số các bí mật mà mọi người yêu cầu được giữ kín thường là những điều tiêu cực. Do đó, giữ một thông tin tiêu cực trong đầu tiếp tục đặt gánh nặng lên tinh thần của người nắm giữ nó, thậm chí não bộ phải hoạt động để nghĩ những lời nói dối che đậy bí mật.
“Các tài liệu tâm lý học chỉ ra việc giữ bí mật tạo ra rất nhiều căng thẳng. Những người giữ nhiều bí mật thì hormone căng thẳng của họ sẽ tăng lên. Họ có nhiều khả năng bị ốm hơn”, tiến sĩ Eagleman cho biết. “Nhưng một khi giải phóng được những thứ đó, sức khỏe của họ sẽ được cải thiện đáng kể”.
Đồng ý với quan điểm trên, Giáo sư Asim Shah, phó chủ tịch điều hành tại Khoa Tâm thần và Khoa học Hành vi Menninger tại Đại học Y Baylor cho biết: “Một lý do khác khiến mọi người thường kể một bí mật là vì họ cảm thấy tội lỗi khi nắm giữ nó. Việc giữ hoặc chia sẻ bí mật thường đặt mọi người vào tình thế giành được hoặc đánh mất lòng tin của ai đó”.
Ngoài ra, lý thuyết ức chế suy nghĩ của nhà tâm lý học xã hội Daniel Wegner nói rằng khi chúng ta cố gắng không nghĩ về điều gì đó, chúng ta thường chỉ nghĩ về nó nhiều hơn.
Mặt khác, nhiều người xem việc buôn chuyện, bàn tán là cách duy trì mối quan hệ xã hội. Michael Slepian, một nhà tâm lý học đến từ Đại học Columbia, tác giả cuốn sách “Cuộc đời bí mật của những bí mật” đã thực hiện hàng trăm nghiên cứu về bí mật trong 10 năm với khoảng 50.000 người được phỏng vấn.
Kết quả cho thấy, những người nắm giữ nhiều bí mật hơn cảm thấy sức khỏe của họ kém hơn, cuộc sống có ít niềm vui hơn và trớ trêu thay, các mối quan hệ xã hội của họ có chất lượng kém hơn những người hay buôn chuyện.
Đối với hành vi này, các nhà tâm lý học cho biết họ làm vậy vì muốn nhận được sự chú ý là chính. Bí mật là những câu chuyện kích thích trí tò mò và sự chú ý của mọi người. Khi bạn chuẩn bị kể ra một bí mật, mọi sự chú ý sẽ dồn về phía bạn và bạn sẽ trở thành trung tâm.
Mặc dù, việc giữ bí mật gây tổn hại nặng nề cả về mặt tinh thần lẫn thể chất nhưng không có nghĩa là phải lập tức nói ra hết bí mật với người khác. Thay vào đó, bạn có thể chọn cách viết nhật ký, nói chuyện lại với người nắm giữ bí mật về mức độ quan trọng của câu chuyện để giải tỏa tâm lý. Trong trường hợp bạn thấy việc nắm giữ bí mật của họ là quá căng thẳng và mệt mỏi, hãy từ chối nghe bí mật đó ngay từ đầu.
Theo Phương Anh (Gia Đình Việt Nam)