Hình ảnh thân quen mà ai cũng có thể bắt gặp trên các sườn đồi ở một số vùng trung du là màu xanh ngan ngát của những rẫy sắn, luống khoai.
Cứ vào độ cuối tháng bảy âm lịch, khi mùa thu hoạch đến, khoai trên nương được bà con dỡ về, xếp đầy một góc nhà mà trong đó nhiều nhất là khoai mỡ.
Xôi khoai mỡ
Khoai mỡ có hai loại: loại ruột trắng và loại ruột tím, nhưng thường thì khoai ruột tím nhiều hơn bởi người dân quê tôi rất thích mùi vị cũng như màu tím đẹp mắt của loại khoai ấy. Khi khoai đã đầy ắp trong nhà, những món ăn đa dạng từ loại nông sản này có dịp xuất hiện thường xuyên hơn trong mâm cơm gia đình, lúc thì tô canh khoai mỡ với thịt heo bằm nhuyễn, khi thì khoai mỡ nấu với tép đồng còn tươi… Ngoài việc chế biến làm thức ăn cho những bữa cơm, khoai mỡ còn dùng nấu chè, làm bánh hay nấu xôi. Đặc biệt, xôi khoai mỡ còn được dùng để cúng tổ tiên, ông bà trong những ngày giỗ, chạp.
Xôi khoai mỡ rất dễ nấu. Đầu tiên dùng gạo nếp vo sạch, ngâm nước cho mềm; bước tiếp theo chọn những củ khoai mỡ ruột tím, bụ bẫm, gọt vỏ ngâm với nước có pha một ít muối. Chừng nửa tiếng đồng hồ sau, vớt khoai ra, xắt mỏng. Gạo nếp và khoai trước khi đem hong, cần xả lại nước một lần nữa. Canh lửa đến khi thấy xôi gần chín, nhấc xuống, trút ra lớp lá chuối bày sẵn trên tấm phảng rồi dùng vá (muỗng lớn) day ra trước khi cho đường vào trộn. Để đường thấm đều, cho xôi vào lại nồi và bắc lên bếp lần nữa, lần này cho thêm vài cọng lá dứa rồi đậy kín miệng nồi bằng một vài tàu lá chuối non. Ít phút sau, khi mở vung ra, thấy hơi tỏa ra nhiều, thơm phức là xôi đã chín.
Khi xôi còn nóng, múc ra đĩa hoặc lá chuối và rắc lên một ít mè rang là có thể dùng ngay. Xôi khoai mỡ với màu tím gợi cảm, vừa dẻo thơm vừa có vị ngọt bùi, đối với lũ trẻ chúng tôi đó là món ăn tuyệt vời hiếm khi nào thấy ngán.