Tại Việt Nam, thị trường tôn thép với năng lực sản xuất trên 4 triệu tấn/năm tưởng rằng sẽ tạo cơ hội cho người tiêu dùng thêm nhiều cơ hội lựa chọn sản phẩm chất lượng, vậy nhưng trên thực tế không hẳn như vậy.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, hiện có 15 công ty lớn là thành viên của VSA và một số cơ sở nhỏ sản xuất tôn mạ màu, tôn thép mạ, có năng lực sản xuất trên 4 triệu tấn/năm và được đánh giá là số một trong khu vực ASEAN cả về số lượng lẫn chất lượng.
Nhưng vấn nạn hàng nhái, hàng giả tràn lan thị trường đã gây khó khăn cho đầu ra tiêu thụ của thép Việt. Hơn nữa, sự nhiễu loạn thông tin về chất lượng sản phẩm khiến người tiêu dùng còn nhiều băn khoăn, dè dặt khi lựa chọn các sản phẩm tôn thép, trong khi doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc cũng chật vật trong tiêu thụ sản phẩm.
Kiểm tra thép cuộn tại nhà máy SMC.
Theo chia sẻ của đại diện một doanh nghiệp sản xuất tôn thép lớn tại Bà Rịa – Vũng Tàu, gần như người tiêu dùng không thể phân biệt được chất lượng của tôn thép mạ và phủ màu. Nguyên nhân dẫn tới sự bát nháo của thị trường tôn thép nội địa là do một số đơn vị cung cấp không bảo hành đúng cam kết khiến cho một bộ phận người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp phải đối mặt với những tổn thất không nhẹ.
Trong năm 2014, tính riêng tại Hà Nội, các cơ quan chức năng đã thu giữ 300 tấn tôn nhập khẩu kém chất lượng. Đại diện CTCP Tập đoàn Hoa Sen, nhà sản xuất tôn thép lớn nhất Việt Nam cho hay, doanh nghiệp đã bị giảm hơn 2,5% thị phần (gần 120 tỷ đồng) do tôn nhái, tôn giả từ năm 2014 tới nay.
Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu ông Lê Thế Bảo nhận định, sự tùy tiện trong công bố thông tin về chất lượng và hạn bảo hành của nhiều nhà cung cấp đã khiến một số doanh nghiệp sản xuất uy tín bị vạ lây. Với năng lực sản xuất lớn 4 triệu tấn/năm, nhưng VSA dự báo, tiêu thụ tôn thép trong năm 2015 nếu tăng 15% so với năm 2014 thì cũng chỉ đạt 3,25 triệu tấn. Theo đó, các nhà sản xuất trên thị trường tôn thép sẽ bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt.
Và dĩ nhiên, sẽ xuất hiện nhiều chiêu trò mới để hút khách, do đó nếu người tiêu dùng không tỉnh táo sẽ phải trả tiền cao cho sản phẩm không như quảng bá. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tôn thép trong nước còn phải chia miếng bánh thị phần không nhỏ cho các công ty nhập khẩu. Được biết, lượng tôn nhập khẩu qua các công ty thương mại trong năm 2015 dự kiến vượt con số 700 nghìn tấn của năm ngoái.
Hiệp hội Thép Việt Nam khuyến cáo, với giá tôn thép nhập từ Trung Quốc quá rẻ nên một số doanh nghiệp trong nước tích cực nhập về bán. Những sản phẩm này không đồng đều về chất lượng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình xây dựng. Chẳng hạn như, tôn kém chất lượng nhanh bị phai màu và gỉ sét, theo đó công trình xuống cấp sau chỉ khoảng 3 năm sử dụng thay vì 10 năm với tôn chính hãng.
Hiện phần lớn các doanh nghiệp sản xuất tôn thép lớn trong nước đều trang bị thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại, đồng bộ. Những sản phẩm tôn thép của Hoa Sen, Hòa Phát, hoặc NS BlueScope Việt Nam… phần nào giúp người tiêu dùng hạn chế tối đa việc mua phải tôn thép kém chất lượng.
Thị trường bất động sản trầm lắng, đóng băng dẫn đến tồn kho thép với số lượng lớn đã khiến Trung Quốc lên kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu thép ra thị trường thế giới. Theo dự báo, Trung Quốc xuất khẩu thép ra thị trường thế giới khoảng 100 triệu tấn (tức tăng 21 triệu tấn so với năm 2014) trong năm 2015 và Việt Nam là một trong những thị trường mà nước này đẩy mạnh xuất khẩu.
Trên thực tế, lượng sắt thép cả nước nhập về 8,43 triệu tấn trong 7 tháng đầu năm nay, tăng 40,3% về lượng so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng nói là, nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc hơn 5 triệu tấn với trị giá đạt 2,44 tỷ USD và chiếm 54,5% tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước. Như vậy, với lợi thế giá rẻ, lượng sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc đã tạo sức ép cạnh tranh vô cùng lớn cho doanh nghiệp thép Việt Nam.
Doanh nghiệp thép nội địa sẽ gặp khó khăn hơn khi Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu thép sang Việt Nam trong những tháng tới. Nhằm ứng phó với thực trạng đó, VSA cho biết không có một giải pháp cụ thể nào tốt hơn việc VSA trong nước phải tập trung nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ chi phí sản xuất và sản phẩm bán ra có giá thành rẻ.
Theo Sài Gòn Đầu tư Tài chính