Những thói xấu trong cuộc sống thường ngày có thể dẫn đến hậu quả khó lường với sức khỏe.
Anh Đặng (27 tuổi, Hồ Nam, Trung Quốc) nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê bất tỉnh vào lúc 4 giờ sáng. Theo chẩn đoán, người ta phát hiện nguyên nhân là do ngộ độc rượu gây tổn thương não nghiêm trọng và được chuyển vào phòng ICU để theo dõi.
Các bác sĩ cho biết, nếu tình trạng kéo dài có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn và chuyển sang trạng thái thực vật. Theo Linh Linh, vợ anh Đặng cho biết anh có thói quen uống rượu mỗi ngày và gần như luôn trong tình trạng say xỉn, không tỉnh táo.
Uống nhiều rượu có hại thế nào?
1. Chức năng não
Những người thường xuyên sử dụng chất kích thích thường trong tình trạng mệt mỏi, ủ rũ, tính cách thất thường. Hoặc thậm chí nặng hơn sẽ xuất hiện các triệu chứng như mất trí nhớ, thay đổi tính cách hoặc mắc bệnh tâm thần.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng sử dụng rượu quá mức sẽ dẫn đến sự phát triển không hoàn chỉnh của các tế bào thần kinh, ảnh hưởng đến chức năng biệt hóa của tế bào gốc thần kinh , và cuối cùng dẫn đến chức năng não bị suy giảm. Thậm chí, những tổn thương do rượu gây ra có thể vẫn tồn tại trong vòng 6 tuần khi uống. Chủ yếu ở vùng hải mã và vỏ não trước trán của não.
2. Gan
Uống rượu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tế bào gan. Khi chúng bị tổn thương sẽ dẫn đến rối loạn các chức năng sinh lý như tổng hợp, hấp thu, chuyển hóa, bài tiết độc tốt trong cơ thể, gây ra sự gia tăng aminotransferase huyết thanh. Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng như mệt mỏi và chán ăn. Trong trường hợp nặng, có thể kèm theo vàng da hoặc lòng trắng mắt.
Lâu dần có thể dẫn tới xơ gan. Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng không đặc hiệu như khó chịu ở bụng, chán ăn, sụt cân và một số có thể có dấu hiệu của bệnh gan mãn tính. Cùng với đó, rượu cũng cản trở quá trình chuyển hóa lipid, khiến chất béo trung tính tích tụ trong gan. Khi chất béo trung tính vượt quá 5% trọng lượng gan sẽ gọi là gan nhiễm mỡ.
Ngoài ra, lạm dụng rượu lâu dài có thể gây hoại tử tế bào gan, từ đó thúc đẩy sự tăng sinh của mô xơ gan. Bệnh nhân có thể gặp các biến chứng như cổ trướng, lách to và chảy máu do giãn tĩnh mạch thực quản.
Làm gì để giảm bớt tác hại của rượu?
1. Kiểm soát thời gian uống
Uống rượu thường xuyên sẽ tăng gánh nặng cho gan, tổn thương chức năng gan. Nếu khoảng thời gian giữa các lần uống rượu ngắn sẽ khiến cơ thể chưa kịp chuyển hóa, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng tổn thương. Nên cách ít nhất một ngày mới nên uống lại để gan có thời gian giải độc, phục hồi.
2. Kiểm soát lượng uống
Mỗi lần không nên uống quá nhiều bởi có thể dẫn đến ngộ độc, tổn hại chức năng hệ thần kinh, tim mạch và các cơ quan khác, rút ngắn tuổi thọ. Hạn chế lượng rượu uống không quá hai ly đối với nam và một ly đối với nữ.
Không uống rượu quá nhanh hoặc quá nhiều. Bạn nên uống rượu từ từ, nhấm nháp và thưởng thức hương vị của rượu. Một ly rượu tương đương với 350ml bia, 150 ml rượu vang hoặc 45 ml rượu mạnh. Không nên pha trộn nhiều loại rượu với nhau.
3. Bổ sung nước, thực phẩm giàu vitamin C
Đồng thời, có thể giúp giảm bớt tình trạng nôn nao bằng cách uống nước hoặc ăn thực phẩm giàu vitamin C. Điều này có thể giúp làm loãng nồng độ cồn, thúc đẩy bài tiết nước tiểu và giảm tác động của rượu đối với cơ thể.
Đồng thời cũng nên ăn trước khi uống rượu để giảm kích ứng niêm mạc dạ dày. Không uống rượu cùng với nước uống có ga, nước ngọt hoặc nước trái cây. Những loại nước uống này sẽ làm tăng tốc độ hấp thu rượu vào máu, gây say rượu nhanh hơn. Bạn nên uống nước lọc để giảm độ cồn trong máu.
4. Lựa chọn loại rượu
Việc lựa chọn rượu cũng cần khắt khe hơn. Vì rượu ít cồn có nồng độ cồn thấp có thể giảm thiểu tác hại cho cơ thể ở một mức độ nhất định. Vì vậy, khi mua rượu bạn có thể chọn những loại rượu có nồng độ cồn dưới 40 độ như bia, rượu vang… Cùng với đó, cũng cần chọn rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh tình trạng ngộ độc rượu.
5. Không uống rượu khi dùng thuốc
Rượu có thể tương tác với nhiều loại thuốc, gây ra những phản ứng nguy hiểm cho sức khỏe. Nhất là các loại thuốc an thần, kháng sinh. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống rượu nếu bạn đang dùng thuốc điều trị bệnh.
6. Không uống rượu khi thời tiết quá lạnh hoặc quá nóng
Rượu sẽ làm giảm khả năng điều hòa nhiệt của cơ thể, gây ra sự mất nước và suy nhược. Không uống rượu khi đang bị bệnh hoặc có nguy cơ bị bệnh. Rượu làm suy yếu hệ miễn dịch, làm chậm quá trình phục hồi và làm tăng nguy cơ biến chứng. Bạn nên uống rượu khi bạn đang khỏe mạnh, không có bất kỳ triệu chứng bệnh lý nào.
Theo Phạm Trang (Phụ Nữ Mới)