Trong căn nhà rộng 2m2 chất đầy đồ dùng, chỉ để lại một khoảng nhỏ làm chỗ ngủ, bé Na loay hoay viết bài, chốc chốc nhìn về phía bà ngoại, cười hạnh phúc.
Hơn 8 năm qua, dù cuộc sống của bé Na không đủ đầy, trọn vẹn như những bạn bè cùng trang lứa, bù lại tình yêu thương của ông bà ngoại đã chữa lành những vết thương lòng trong con.
Bố mẹ ly hôn, bé gái phải về ở với ông bà ngoại
Đưa đôi tay quệt nước mắt, bà Kha Tú Ngọc (SN 1954) nghẹn lời khi nhắc đến hoàn cảnh đáng thương của đứa cháu ngoại. Bé Na tên đi học là N.D.B.V (11 tuổi) là kết quả tình yêu của con gái bà và chồng cũ, giữa năm 2014, khi bé Na hơn 1 tuổi, vợ chồng con gái bà ly hôn.
Bé Na khi đó chưa đủ 36 tháng tuổi nên tòa tuyên ở với mẹ. Chỉ mấy tháng sau, bố mẹ bé Na lần lượt kết hôn với người khác, bé Na cũng theo mẹ về sống cùng bố dượng.
Nhiều lần đến thăm cháu ngoại, nhìn thấy đứa trẻ tội nghiệp thiếu sự quan tâm của con gái, vợ chồng bà Ngọc quyết định đón cháu về nuôi, khi ấy bé Na chưa tròn 3 tuổi. Để vừa trông cháu vừa có tiền lo chi phí ăn uống trong nhà, bà Ngọc xin phụ cho một quán ăn gần nhà, mỗi tháng lương hơn 2,5 triệu đồng.
Hai năm trước, chồng bà Ngọc mất vì căn bệnh nhồi máu cơ tim, khó khăn càng thêm chồng chất, căn nhà ọp ẹp chưa đầy 2m2 trong hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP.HCM) là nơi sinh sống của hai bà cháu.
Mặc dù lớn lên trong điều kiện thiếu thốn nhưng bé Na học rất giỏi, 3 năm liền lớp 1-2-3, cô bé đều đạt học sinh giỏi, nhận học bổng của nhà trường, điều đó khiến bà Ngọc vô cùng tự hào về đứa cháu nhỏ.
Biết được hoàn cảnh của gia đình bà Ngọc, hàng xóm, thầy cô giáo trên trường đều quan tâm, hỗ trợ, mua sách vở và áo quần cho bé. Nhận được quà tặng cho của ai bà Ngọc cũng thấy biết ơn và trân trọng. “Nhiều người ở xa, biết hoàn cảnh của bà cháu tôi, họ vẫn đến giúp đỡ, động viên. Có người mang đến chỉ là món quà nhỏ thôi, tôi vẫn thấy ấp áp”, bà Ngọc xúc động.
Còn bé Na, khi nhận được sách vở, đồ dùng học tập, đồ chơi của thầy cô, người lạ mang đến tặng em đưa hai tay nhận bằng sự trân trọng. Khi khách về, cô bé ngồi mân mê từng món quà bằng tất cả tấm lòng. Đối với vở, đồ dùng học tập chưa dùng đến em gói ghém cẩn thận, cất trong ngăn tủ, khóa lại đến khi cần dùng đến cho bà ngoại đỡ đất tiền mua. Nhìn những món quà nhỏ được mọi người gửi tặng, bé Na cười tít mắt: “Được các thầy cô, các cô chú tặng quà, con vui lắm. Con cảm ơn mọi người rất nhiều”.
Chỉ sợ một ngày bà mất, bé Na sẽ bơ vơ
Trước đây, chồng bà Ngọc còn sống, toàn bộ chi phí trong nhà phần lớn phụ thuộc vào việc chạy xe ôm của ông, bản thân bà chỉ đi làm phụ thêm. Khi ông mất, dù thu nhập từ công việc phụ quán ăn gần nhà của bà nhỉnh hơn một chút, nhưng tháng nào cũng thiếu trước hụt sau.
Để đủ tiền lo cho cháu học, phòng lúc bệnh đau, hằng ngày bà xin đồ ăn còn dư ở quán về cho hai bà cháu, có bữa thì ghé đến chùa nhận cơm chay. Tiện tặn mỗi thứ một chút, bà Ngọc chỉ mong đủ để xoay xở ăn uống cơm ngày 3 bữa, bé Na không phải nghỉ học giữa chừng. “Có tháng đau bệnh, tôi phải ứng trước lương, cứ xoay vòng vậy”, nói đoạn, bà Ngọc nhìn bé Na, rưng rưng nước mắt.
Nói về bố mẹ của Na, bà Ngọc cho biết dù sau khi toà giao quyền nuôi con cho mẹ bé Na, yêu cầu người bố của bé phải cấp dưỡng 2 triệu/tháng nhưng hầu như bố bé không thực hiện. Riêng người con gái của bà, việc có gia đình mới nên mức độ quan tâm bé Na cũng ít dần. Tháng nào ngặt nghèo, không đủ tiền đóng học, lo ăn uống cho bé Na, bà Ngọc mới nhờ sự hỗ trợ từ con gái.
“Mẹ nó muốn đón về nuôi nhưng tôi không chịu. Con bé ngoan lắm, mới học lớp 4 mà biết nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Tôi còn sống ngày nào thì sẽ cố gắng lo cho con bé được học hành, tôi chỉ sợ một ngày mình mất đi, con bé không biết dựa vào ai”, bà Ngọc nghẹn lời.
Nói về căn nhà đang ở, bà Ngọc cho biết, căn nhà này vốn là cái kho chứa đồ trong căn nhà rộng hàng ngàn m2 của một nghệ sĩ cải lương đã sang Mỹ định cư, cái kho này trước đây để không. Năm 1990, thấy vợ chồng bà Ngọc khó khăn nên chính quyền xin cho gia đình bà ở tạm, tính đến nay đã hơn 30 năm.
“Trước đây, căn nhà này nhìn lụp xụp hơn. Bây giờ, được chính quyền địa phương và các mạnh thường quân giúp đỡ, sửa sang lại nên nhìn nó khang trang hơn, bà cháu tôi sống thoải mái”, bà Ngọc nói.
Trong căn nhà nhỏ, bé Na chốc chốc lại chạy ùa vào lòng bà ngoại, thấy ngoại than mệt, cô bé liền xoa bóp, đấm lưng cho bà. Đưa đôi mắt long lanh nhìn ngoại, bé Na thỏ thẻ: “Con chỉ muốn ở với ngoại thôi, con thương ngoại nhiều lắm”.
Ôm đứa cháu ngoại vào lòng, bà Ngọc thở dài, lo lắng. Hiện tuổi bà cũng đã cao, sức khoẻ yếu hơn, trong khi bé Na ngày càng lớn và cần phải đi học để có một công việc ổn định. Bà sợ rằng, lỡ may bà ngã bệnh, không thể đi làm được thì bé Na không biết phải làm sao. “Bố mẹ nó bận lo cho gia đình riêng. Tội nghiệp con bé, tôi chỉ mong mình có thể sống lâu hơn để lo cho nó ăn học được đến nơi đến chốn”, bà Ngọc tâm sự.
Theo Diệu Thuần (Tri thức & Cuộc sống)