Những thiết bị điện này khi để không vẫn có thể âm thầm tiêu thụ điện năng trong nhà của bạn.
Trong cuộc sống hiện đại, các thiết bị điện tử và gia dụng đã trở thành những phần không thể thiếu, mang lại sự tiện nghi và thoải mái cho người sử dụng. Tuy nhiên, đằng sau sự tiện lợi đó là chi phí điện năng không nhỏ mà nhiều gia đình phải chi trả hàng tháng. Một số thiết bị có thể tiêu thụ nhiều điện năng mà không phải ai cũng biết.
1. Máy giặt, máy sấy quần áo
Máy giặt và máy sấy quần áo là những thiết bị không thể thiếu trong mỗi gia đình. Chúng giúp tiết kiệm thời gian và công sức trong việc giặt giũ, nhưng lại là nguồn tiêu thụ năng lượng lớn. Ngoài ra, việc sử dụng liên tục và không rút phích cắm sau khi dùng xong cũng làm tăng hóa đơn tiền điện.
2. Tivi
Tivi thậm chí khi không hoạt động, vẫn có thể tiêu thụ lượng điện nhất định nếu không được ngắt kết nối với nguồn điện sau khi sử dụng. Với các loại màn hình cỡ lớn và sử dụng trong thời gian dài, lượng điện năng tiêu thụ sẽ càng tăng cao.
3. Sạc điện thoại
Sạc điện thoại, dù có vẻ như không đáng kể, nhưng nếu cắm liên tục cũng sẽ góp phần không nhỏ vào tổng lượng điện tiêu thụ của gia đình hàng tháng. Đây là một thủ phạm tiềm ẩn cho việc tăng hóa đơn tiền điện mà nhiều người không nhận ra.
4. Cây nước nóng lạnh
Cây nước nóng lạnh cũng là một thiết bị tiêu thụ điện lớn, đặc biệt là trong các văn phòng công ty hoặc các gia đình thường xuyên sử dụng nước nóng. Để tiết kiệm điện năng, nên rút phích cắm ra khi không sử dụng.
5. Quạt điều hòa
Quạt điều hòa, một thiết bị làm mát khác được sử dụng rộng rãi, cũng tiêu thụ một lượng điện đáng kể nếu hoạt động trong thời gian dài mỗi ngày.
6. Bếp từ
Bếp từ là một thiết bị tiêu thụ điện lớn do công suất cao. Nhiều gia đình đã chuyển sang sử dụng bếp từ vì tính an toàn và sạch sẽ, nhưng việc này cũng đồng thời tăng cường tiêu thụ điện năng.
7. Máy tính để bàn, laptop
Máy tính để bàn và laptop, dù đã tắt, vẫn có thể hoạt động ngầm và tiêu thụ điện năng. Đặc biệt, nếu chúng được để ở chế độ “sleep” thay vì tắt hẳn, lượng điện năng tiêu thụ sẽ còn cao hơn nhiều.
8. Nồi cơm điện
Nồi cơm điện, một thiết bị không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt, cũng là một thiết bị tiêu thụ điện cao, nhất là khi được sử dụng để ủ cơm nóng trong thời gian dài.
10 cách giúp tiết kiệm điện được EVN gợi ý
Trên trang thông tin điện tử Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ông Đặng Nguyên Phương – Trưởng Ban Kinh doanh EVNSPC – đã gợi 10 cách để tiết kiệm điện và giảm chi phí tiền điện mùa nắng nóng.
Tăng cường cây xanh trong nhà để làm giảm tác động của ánh nắng mạnh và giữ không khí mát mẻ.
Sử dụng rèm cửa để cản sáng, nên chọn loại rèm có khả năng ngăn hạn chế ánh nắng và nhiệt độ từ bên ngoài.
Hạn chế sử dụng nhiều thiết bị điện cùng lúc trong giờ cao điểm, chỉ sử dụng những thiết bị cần thiết và những thiết bị tiết kiệm điện.
Dùng cửa sổ để đón không khí mát vào ban đêm và giảm việc sử dụng điều hòa.
Thay đổi thói quen sử dụng thiết bị làm mát, nâng cao nhiệt độ điều hòa lên trên 26 độ C và tắt điều hòa vào ban đêm.
Sử dụng tủ lạnh đúng cách, đặt tủ cách tường ít nhất 10 cm và không mở tủ lạnh thường xuyên.
Chú ý đến chỉ số hiệu suất năng lượng (EER) khi mua thiết bị mới, chọn những thiết bị có chỉ số cao.
Lau sạch định kỳ thiết bị điện để tăng hiệu quả sử dụng và giảm số lượng thiết bị cần sử dụng.
Rút phích cắm thiết bị điện khi không sử dụng để tránh lãng phí điện năng.
Lắp bóng đèn tiết kiệm điện, sử dụng bóng đèn LED và tận dụng ánh sáng tự nhiên.
Hiện nay, việc tiết kiệm điện năng không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mà còn là một nỗ lực chung của cả cộng đồng nhằm bảo vệ môi trường và giảm thiểu chi phí sinh hoạt hàng tháng. Để giảm bớt hóa đơn tiền điện, mỗi người nên có ý thức rút phích cắm của các thiết bị điện sau khi sử dụng xong, đồng thời xem xét kỹ lưỡng trước khi mua sắm những thiết bị tiêu thụ năng lượng cao.
Theo Minh Anh (Nguoiduatin.vn)