Vì thương con gái, mẹ vợ giấu giếm cho con vay tiền mà không để chàng rể biết, sợ anh ta tự ái khi phải nhờ đến sự giúp đỡ của nhà vợ.
Đọc bài viết Mang ảnh bố đẻ về thờ, bị mẹ vợ xúc phạm của anh con rể, tôi cũng thấy bức xúc thay. Đúng là bà mẹ vợ quá đáng và tư duy lạc hậu. Nhưng tôi cũng không đồng tình với hành xử của anh con rể – đùng đùng đòi bán nhà để trả lại tiền bố mẹ vợ.
Nếu là tôi, tôi sẽ làm như thế này. Khi bà mẹ vợ nói như vậy, tôi sẽ thưa lại với bà như sau: “Đúng là căn nhà này có sự giúp đỡ rất nhiều của bố mẹ. Nhưng khoản tiền bố mẹ hỗ trợ vợ chồng con, con sẽ trả đủ, thậm chí trả cả khoản bố mẹ nói cho hẳn hai vợ chồng. Còn việc con đưa bố con về đây để thờ cúng là chuyện lễ nghĩa, hiếu thuận theo đúng đạo làm người.
Con là con trai duy nhất nên việc con thờ cúng cha mẹ là chuyện đương nhiên. Nếu mẹ vẫn kiên quyết không đồng ý, con sẽ về bàn với vợ để đi vay mượn trả lại bố mẹ số tiền đã cho bọn con”.
Theo tôi, việc anh kiên quyết bán căn nhà để trả lại tiền cho bố mẹ là nóng vội và cũng thiệt thòi cho vợ con anh.
Để mua được một căn nhà, không chỉ cần tiền, vợ chồng anh còn phải bỏ rất nhiều công sức để tìm kiếm, nghiên cứu, sắm sửa đồ đạc. Nếu bây giờ đùng đùng đòi bán, hai người vừa mất bao nhiêu thời gian đã bỏ ra, vừa chưa chắc đã được giá như lúc mua.
Vợ con anh lại phải dọn ra nhà thuê ở, bất tiện đủ thứ. Đường cùng, hãy lấy sổ đỏ ngôi nhà mang đi thế chấp ngân hàng để vay tiền trả lại mẹ vợ.
Là người đàn ông, trước bất cứ sự xúc phạm hay lời lẽ khiếm nhã nào, hãy dừng lại một nhịp để hành xử cho thật chín chắn. Nếu anh nhất mực đòi bán ngay, họ chỉ thấy ở anh sự nóng giận, tự ái của một anh con rể đã nghèo mà còn kiêu.
Tôi biết, ở vị trí con rể, nhiều anh rất nhạy cảm với sự giúp đỡ từ nhà vợ. Có người nhạy cảm đến mức cực đoan. Thực ra, việc “né tránh” sự giúp đỡ của nhà vợ càng cho thấy các anh đang có tư duy phân biệt, “trọng nội khinh ngoại”.
Những anh lúc nào cũng sợ lép vế với nhà vợ chính là những anh luôn đòi hỏi, yêu sách vợ mình trong việc đối xử với nhà nội. Vì trong tư tưởng các anh, nội lúc nào cũng phải hơn ngoại.
Còn những người thực sự coi nội ngoại như nhau, họ sẽ không đòi hỏi người vợ phải làm gì cho nhà mình hơn nhà ngoại cả.
Tôi đã chứng kiến một câu chuyện rất buồn cười về anh con rể “dỗi” nhà vợ. Chuyện do chính cô vợ – là hàng xóm của tôi – kể lại.
Chuyện là mỗi chuyến về quê nội, ngoại, các bà đều đùm bọc cơ man là đồ ăn cho con cháu xách lên thành phố. Đồ ăn ở quê vừa sạch, vừa rẻ, trong khi lên thành phố cọng hành cũng phải đi mua nên các bà tiếc của. Bà nào cũng cố sức gom đồ của nhà, của hàng xóm trồng cho con mang đi.
Suốt mấy năm, 2 vợ chồng anh này đều vui vẻ mang cả bao tải đồ ăn ở quê lên Hà Nội như thế. Nhưng chỉ có một lần, câu nói của bà hàng xóm ở quê vợ khiến anh tự ái.
Nhìn thấy vợ chồng anh tay xách nách mang túi to, túi nhỏ ra xe ô tô, bà hàng xóm buông một câu đùa: “Đúng là con gái cái bòn cô T. nhỉ!”.
Có thế thôi mà mặt anh chồng tối sầm lại. Suốt quãng đường từ quê lên Hà Nội, anh không nói năng gì với vợ. Về đến nhà, anh ném phịch mấy túi đồ ăn xuống nền nhà, ra chỉ thị: “Từ nay em đừng mang gì ở quê lên nữa, mang tiếng ra! Nhà chẳng thiếu gì!”.
Thế là từ bữa đó, cô vợ không dám cầm món gì ở quê ngoại lên, cũng không dám nói thật với mẹ lý do. Nhưng nếu về quê nội, đồ bà nội cho thì anh chồng vẫn giục vợ nhận cho bà vui.
Tôi thấy câu đùa “con gái cái bòn” rất phổ biến, đâu đến mức phải tự ái như chàng rể kia. Ngay con dâu tôi mỗi lần về ngoại cũng mang rất nhiều đồ quê lên. Nhà ăn không hết, cháu còn mang sang biếu vợ chồng tôi. Chúng tôi luôn vui vẻ đón nhận, không tiếc lời khen bà thông gia thảo tính.
Cũng có người vui miệng trách yêu “con gái cái bòn” trước mặt con trai tôi. Nhưng tôi thấy, con tôi đáp lại rất thông minh và hài hước như thế này. “Vâng, đồ ngoại lúc nào cũng xịn bà ạ! Tội gì mình không dùng”. Thế là ai cũng cười xòa, vui vẻ.
Lại còn có chuyện này nữa, tôi kể thêm để cho thấy cái tính sĩ diện hão của một số chàng rể.
Hồi tôi còn đi làm, có chị bạn đồng nghiệp kể chuyện con rể sĩ diện khiến cả nhà vợ phải nín nhịn.
Chuyện là hai con bàn nhau mua nhà, nhưng tổng động viên chỉ được một nửa số tiền nhà. Chàng rể vẫn quyết mua bằng được và giao chỉ tiêu cho vợ, bằng các mối quan hệ của mình, phải vay được 700 triệu đồng, số còn lại anh chồng lo. Nhưng anh con rể ra kèm điều kiện “tuyệt đối không được nhờ nhà ngoại”.
Cô vợ vốn làm hành chính trong một công ty nhỏ, nhìn quanh quẩn đồng nghiệp ai cũng khó khăn, lấy đâu ra cả trăm triệu mà cho vay. Sau nửa tháng xoay đủ các mối đồng nghiệp, bạn bè, cô chỉ vay được hơn 100 triệu đồng.
Bí quá, cô hỏi bố mẹ đẻ – tức là cô đồng nghiệp của tôi. Anh chị đi làm cả đời, cũng tích lũy được một khoản. Thấy con gái cần tiền mua nhà, anh chị sẵn sàng cho đứt 500 triệu, còn 200 triệu cho vay để các con có động lực phấn đấu.
Nhưng cô vợ nhớ lại “chỉ thị” của chồng, nên đã dặn mẹ tuyệt đối không nói ra chuyện cô vay nhà ngoại. Cô mang đủ số tiền 700 triệu đồng về cho chồng, nói dối là vay bạn bè, đồng nghiệp. Anh chồng mừng ra mặt, cứ nghĩ vợ mình quan hệ rộng nên đi vay nhoắng cái được ngay số tiền lớn. Còn phần của anh đương nhiên vẫn là nhờ nhà nội hỗ trợ.
Từ đấy, mỗi lần nói chuyện mua nhà, anh luôn tự hào vỗ ngực nói “không phải nhờ vả ai”, “2 vợ chồng lo hết, nhà nội hỗ trợ thêm”.
Vợ chồng cô đồng nghiệp tôi vừa mất tiền, vừa chẳng được tiếng thơm. Đúng là chỉ vì thương con gái mà phải nhịn mấy ông con rể sĩ diện hão.
Theo Thu Trà (Hà Nội) (VietNamNet)