Tôi ngớ người, hỏi vợ về số tiền tiết kiệm thì vợ trừng mắt trách tôi vô tâm.
Kết hôn nửa năm vợ tôi mang thai. Là song thai, vợ lại ốm nghén nặng nên vợ tôi vất vả hơn gấp bội so với những thai phụ khác. Vì vậy, cô ấy phải nghỉ ở nhà để dưỡng thai.
Cũng may tôi là trưởng nhóm kinh doanh nên lương không đến nỗi nào, mỗi tháng được khoảng 60-70 triệu đồng. Nhà và xe đều có rồi nên không gặp áp lực kinh tế, dù vợ ở nhà tôi vẫn có thể lo cho gia đình đầy đủ.
Từ khi vợ nghỉ việc ở nhà, mỗi tháng tôi đưa cho cô ấy 50 triệu, giữ lại 10-20 triệu để chi tiêu vì tôi thường xuyên phải đi tiếp khách, đi công tác, thỉnh thoảng còn mời nhân viên ăn uống nữa. Nếu tháng nào dư thì tôi cất “quỹ đen”, vợ cũng chẳng cấm.
Với 50 triệu mỗi tháng, tôi nghĩ cũng xông xênh mà chi tiêu. Vì vợ tôi không tiêu hoang, cô ấy không mua sắm hàng hiệu gì mà chỉ dùng đồ bình dân. Nhà không có giúp việc vì vợ không yên tâm giao con cho giúp việc chăm sóc, vì vậy sau sinh cô ấy cũng tự mình chăm lo cho hai đứa trẻ.
Thế nên, tính sơ qua mỗi tháng ít nhất vợ cũng để dành được 20 triệu. Cưới nhau 4 năm, chắc khoản tiết kiệm cũng được gần 1 tỷ rồi.
Tính tôi thoáng và rất vô tư, tin tưởng tính tiết kiệm của vợ nên tôi không bao giờ hỏi đến chuyện tiền tiết kiệm. Thế nhưng, một chuyện xảy ra gần đây đã khiến tôi phải suy nghĩ lại về việc đưa tiền cho vợ quản lý.
Thời tiết đang chuyển mùa, lúc nắng nóng gay gắt lúc lại lạnh, mưa nồm nên trẻ con ốm rất nhiều. Hai đứa con của tôi đợt này cũng ốm cùng một lúc và phải nằm viện.
Khi đóng viện phí, vợ bảo tôi đi thanh toán. Nhưng trước đó vài tháng, bạn thân của tôi mua đất làm nhà, tôi đã rút hết “quỹ đen” cho cậu ấy vay để đỡ phải vay ngân hàng nên làm gì còn đồng nào. Bảo vợ thì cô ấy lại thở dài nói trong nhà không còn đồng nào.
Tôi ngớ người, hỏi vợ về số tiền tiết kiệm thì vợ trừng mắt trách tôi vô tâm:
– Nói anh vô tâm không sai mà. Anh thực sự không biết tiền tiết kiệm nhà mình đã dùng vào việc gì à? Một tháng qua anh có gọi điện về hỏi han bố mẹ vợ được lời nào đâu?
Tự dưng bị vợ trách, tôi ngơ ngác không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Ngẫm lại những lời vợ nói, đúng là vì bận rộn công việc mà lâu rồi tôi chưa về thăm bố mẹ vợ, gọi điện chắc tháng được 1 lần.
Biết mình thiếu sót, tôi nhẹ nhàng hỏi nhà vợ đã xảy ra chuyện gì. Vợ thở dài nói:
– Bố bị suy thận phải chạy thận mỗi tuần 2 lần. Tiết kiệm được 400 triệu em đã đưa hết cho mẹ để bà lo cho bố rồi.
Tôi sững sờ khi bao năm qua vợ chỉ tiết kiệm được 400 triệu, hỏi tiếp thì vợ nói rằng mỗi tháng ngoài chi tiêu trong gia đình còn gửi tiền về quê báo hiếu bố mẹ hai bên. Bố mẹ tôi không có lương hưu nên cô ấy gửi 10 triệu, bố mẹ vợ có chút lương hưu nên gửi 5 triệu mỗi tháng.
Biết rằng vợ là người con hiếu thảo, nhưng tôi không thể chấp nhận được việc cô ấy tự ý lấy tiền tiết kiệm của gia đình gửi cho bố mẹ vợ. Là vợ chồng, cần phải chia sẻ, bàn bạc, thống nhất với nhau trước chứ, để giờ hai con nằm viện không có đủ tiền thanh toán viện phí.
Nói vợ mấy câu nào ngờ cô ấy lại bật khóc oán trách:
– Em là vợ anh, không phải giúp việc hay kế toán riêng của anh mà muốn tiêu tiền phải hỏi ý kiến của anh. Em từng nhắc anh đi thăm bố nhưng anh quên luôn việc bố bị bệnh, em gửi tiền cho bố chữa bệnh thì anh tiếc rồi chì chiết em thế này đây. Nếu người nằm đó là bố mẹ anh, anh có tiếc tiền cứu ông không?
Thấy vợ khóc nên tôi im lặng. Về tiền viện phí của con, tôi đành đi vay mượn bạn bè để thanh toán trước. Còn chuyện vợ tự ý tiêu tiền, chờ vợ bình tĩnh lại rồi tôi sẽ nói chuyện sau. Không phải tôi tiếc tiền mà vợ chồng làm gì cũng phải thông qua nhau một tiếng chứ, đúng không?
Theo Cẩm Tú (Tri thức & Cuộc sống)